Tóm tắt: Bài viết dưới đây tóm tắt những nội dung chính của Quyết định số 02/2005/XQĐTT-ST ngày 11/05/2005 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội về việc xét đơn yêu cầu hủy quyết định trọng tài, liên quan đến thẩm quyền ký thỏa thuận trọng tài. Do việc công bố công khai bản án, quyết định lên trang web của Tòa án chỉ được thực hiện từ năm 2018, nên đây là một trong số ít các quyết định/ bản án của Tòa án mà chúng tôi có thể tiếp cận được liên quan đến vấn đề hủy quyết định trọng tài trong giai đoạn Pháp lệnh Trọng tài Thương mại 2003 vẫn còn hiệu lực.
Từ khóa: #huy_phan_quyet_trong_tai #huy_phan_quyet #trong_tai_thuong_mai #ban_an #phan_quyet #toa_an #phap_lenh_trong_tai
1. Thông tin các bên:
a) Người yêu cầu: Công ty TNHH Thủ đô II (“Công ty Thủ Đô”);
b) Người liên quan: Công ty PT VINDOEXIM (Indonesia) (“Công ty VINDOEXIM”).
2. Tóm lược nội dung vụ việc tranh chấp:
a) Ngày 17/01/2003, Bên mua là Công ty Thủ Đô và Bên bán là Công ty VINDOEXIM ký Hợp đồng kinh tế số 071 (“Hợp đồng”) về việc mua bán phân Ưrê với tổng giá trị Hợp đồng là 4.0000.000 USD. Người đại diện của Công ty VINDOEXIM ký Hợp đồng là ông Phan Bá Hưng.
b) Ngày 25/11/2003, các bên ký Phụ lục sửa đổi Hợp đồng gồm hai nội dung chính: (i) Công ty Thủ Đô sẽ mở Thư tín dụng (“L/C”) chậm nhất vào ngày 27/11/2003; (ii) thỏa thuận chọn Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam – bên cạnh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (“Trung tâm Trọng tài”) là cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp.
c) Ngày 15/12/2003, Công ty Thủ Đô gửi thư yêu cầu Công ty VINDOEXIM bổ sung ngày hết hạn của Bảo lãnh thực hiện Hợp đồng (Performance Bond) là vào ngày 15/02/2004 nhưng Công ty VINDOEXIM không chấp nhận nên Công ty Thủ Đô không thực hiện Hợp đồng.
d) Ngày 24/01/2004, Công ty VINDOEXIM do ông Phan Bá Hưng đại diện tiến hành khởi kiện Công ty Thủ Đô ra Trung tâm Trọng tài với các yêu cầu sau đối với Công ty Thủ Đô:
-
- Thanh toán số tiền phạt 2,5% tổng giá trị Hợp đồng, tương đương 100.000 USD do không mở L/C đúng thời hạn;
- Thanh toán tiền chi phí dịch vụ pháp lý là 11.000 USD.
e) Ngày 21/07/2004, Trung tâm Trọng tài đã mở phiên họp giải quyết tranh chấp và đến ngày 31/08/2004 đã ra quyết định buộc Công ty Thủ Đô phải trả cho Công ty VINDOEXIM số tiền 100.000 USD.
3. Nội dung và căn cứ yêu cầu hủy phán quyết trọng tài của Công ty Thủ Đô:
a) Công ty Thủ Đô cho rằng ông Phan Bá Hưng không có Giấy ủy quyền hợp lệ khi ký Hợp đồng, nên ông Hưng không có đủ tư cách, thẩm quyền để đại diện Công ty VINDOEXIM giao kết Hợp đồng và thỏa thuận trọng tài. Do đó, thỏa thuận trọng tài vô hiệu.
b) Công ty VINDOEXIM không có thật trên lãnh thổ Indonesia.
4. Quyết định của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội (“Tòa án”)
a) Yêu cầu của Công ty Thủ Đô không được Tòa án chấp thuận hoặc đề cập đến: Công ty VINDOEXIM không có thật trên lãnh thổ Indonesia.
b) Yêu cầu của Công ty Thủ Đô được Tòa án chấp thuận để làm căn cứ hủy quyết định trọng tài: Ông Hưng không phải là người đại diện theo pháp luật của Công ty VINDOEXIM và cũng không có văn bản ủy quyền nào của Công ty VINDOEXIM cho ông Hưng ký kết Hợp đồng và thỏa thuận trọng tài. Tòa án hủy quyết định trọng tài theo quy định tại khoản 2 điều 10, khoản 2 điều 54, điều 53 Pháp lệnh Trọng tài Thương mại năm 2003.
Cụ thể như sau:
-
- Theo Giấy phép thành lập của Công ty VINDOEXIM ngày 08/09/2003 thì ông LIYANTO là chủ tịch công ty, ông INWANTO là thành viên công ty. Giấy phép thành lập và Điều lệ Công ty VINDOEXIM không ghi nhận tên của ông Hưng (dù ông Hưng nhiều lần khẳng định rằng mình là giám đốc Công ty VINDOEXIM).
- Không có một văn bản pháp lý nào của Công ty VINDOEXIM ủy quyền hợp lệ cho ông Hưng được phép ký thỏa thuận trọng tài ở thời điểm ký kết Hợp đồng. Vì thế việc ông Hưng ký thỏa thuận trọng tài là không đúng thẩm quyền, thỏa thuận trọng tài bị vô hiệu.
- Sau thời điểm Công ty Thủ Đô nộp đơn yêu cầu Tòa án hủy quyết định trọng tài, ông LIYANTO và ông INWANTO có văn bản xác nhận ông Hưng vẫn là giám đốc công ty VINDOEXIM. Tuy nhiên sự xác nhận này xảy ra sau khi ông Hưng ký Hợp đồng, ký thỏa thuận trọng tài với Công ty Thủ Đô và thậm chí sau cả việc Trung tâm Trọng tài ra phán quyết nên không thể cho rằng ông LIYANTO đã ủy quyền cho ông Hưng.
- Không có văn bản nào của Công ty VINDOEXIM ủy quyền cho ông Hưng kiện ở Trung tâm Trọng tài cũng như tham gia tố tụng tại Tòa án.
- Khoản 2 Điều 54 Pháp lệnh Trọng tài Thương mại 2003 quy định:
“Toà án ra quyết định huỷ quyết định trọng tài nếu bên yêu cầu chứng minh được rằng Hội đồng Trọng tài đã ra quyết định trọng tài thuộc một trong các trường hợp sau đây:
….
2. Thoả thuận trọng tài vô hiệu theo quy định tại Điều 10 của Pháp lệnh này.”
-
- Khoản 2 Điều 10 Pháp lệnh Trọng tài Thương mại 2003 quy định:
“Thỏa thuận trọng tài vô hiệu trong những trường hợp sau đây:
….
2. Người ký thoả thuận trọng tài không có thẩm quyền ký kết theo quy định của pháp luật.”
c) Từ những căn cứ trên, Tòa án cho rằng không có cơ sở để giữ nguyên quyết định của Trung tâm Trọng tài và quyết định hủy quyết định của Trung tâm Trọng tài căn cứ theo khoản 2 Điều 10, khoản 2 Điều 54, Điều 53 Pháp lệnh Trọng tài Thương mại 2003.
5. Nhận định của chúng tôi:
Như đã phân tích ở trên, việc người ký thỏa thuận trọng tài không có thẩm quyền ký kết theo quy định của pháp luật sẽ dẫn đến thỏa thuận trọng tài bị vô hiệu, và đây là một trong những căn cứ để Tòa án có thẩm quyền ra quyết hủy quyết định trọng tài theo Pháp lệnh Trọng tài Thương mại 2003, và quyết định này là thuyết phục.
Nếu đối chiếu căn cứ pháp lý này với quy định hiện hành, cụ thể là Luật Trọng tài Thương mại 2010, có thể thấy không có nhiều sự khác biệt giữa Pháp lệnh Trọng tài Thương mại 2003 và Luật Trọng tài Thương mại 2010 về căn cứ để hủy phán quyết trọng tài khi thỏa thuận trọng tài bị coi là vô hiệu. Cụ thể như sau:
a) Khoản 2 Điều 68 Luật Trọng tài Thương mại 2010 quy định:
“2. Phán quyết trọng tài bị hủy nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Không có thỏa thuận trọng tài hoặc thỏa thuận trọng tài vô hiệu.”
b) Khoản 2 Điều 18 Luật Trọng tài Thương mại 2010 quy định về một trong các trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu là: “2. Người xác lập thoả thuận trọng tài không có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.”
c) Quy định trên đã được hướng dẫn chi tiết tại khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20/03/2014 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao như sau:
“2. “Người xác lập thỏa thuận trọng tài không có thẩm quyền theo quy định của pháp luật” quy định tại khoản 2 Điều 18 Luật TTTM là người xác lập thỏa thuận trọng tài khi không phải là người đại diện theo pháp luật hoặc không phải là người được ủy quyền hợp pháp hoặc là người được ủy quyền hợp pháp nhưng vượt quá phạm vi được ủy quyền.”
Từ các căn cứ pháp lý trên có thể thấy rằng, về cơ bản, cả Pháp lệnh Trọng tài Thương mại 2003 và Luật Trọng tài Thương mại 2010 đều có sự đồng nhất trong việc quy định người ký/xác lập thỏa thuận trọng tài không có đủ thẩm quyền theo quy định pháp luật sẽ dẫn đến việc thỏa thuận trọng tài vô hiệu và đây là một trong những căn cứ để Tòa án có thể hủy phán quyết/quyết định của Trọng tài. Tuy nhiên, cụm từ “người ký thỏa thuận trọng tài” theo khoản 2 Điều 10 Pháp lệnh Trọng tài Thương mại 2003 đã được điều chỉnh thành “người xác lập thỏa thuận trọng tài” theo khoản 2 Điều 18 Luật Trọng tài Thương mại 2010. Sự điều chỉnh này sẽ mở rộng được phạm vi áp dụng của điều khoản, đồng thời cũng phù hợp với các hình thức thỏa thuận trọng tài quy định tại khoản 2 Điều 16 Luật Trọng tài Thương mại 2010. Cụ thể, theo Luật Trọng tài Thương mại 2010, thỏa thuận trọng tài được xác lập thông qua trao đổi bằng telegram, fax, telex, thư điện tử giữa các bên cũng được coi là xác lập dưới dạng văn bản và được thừa nhận giá trị pháp lý, không chỉ giới hạn ở việc “ký” vào văn bản giấy theo phương pháp truyền thống.