Link Quyết định: https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta1266963t1cvn/chi-tiet-ban-an?fbclid=IwAR2vGgvzAdaIe9XKPFap6q53ginhciuNNMVPYZ8wSe-RKoE72uc7ift3FwI
Tóm tắt: Bài viết dưới đây tóm tắt những nội dung chính của Quyết định số 537/2023/QĐ-PQTT ngày 19/04/2023 của Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về việc huỷ Phán quyết trọng tài vụ tranh chấp số 66/22 HCM của Hội đồng Trọng tài thuộc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) lập ngày 15/11/2022 (“Phán quyết trọng tài”). Theo đó, Toà án đã huỷ Phán quyết trọng tài vì nội dung Phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, cụ thể là trái với nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận quy định tại khoản 2 Điều 3 Bộ luật Dân sự.
Từ tranh chấp giữa các bên trong Quyết định này của Tòa án, vấn đề thời điểm hợp đồng có hiệu lực có thể là vấn đề cần lưu tâm của các doanh nghiệp trong quá trình đàm phán, ký kết và thực hiện hợp đồng.
Từ khóa: #huy_phan_quyet_trong_tai #huy_phan_quyet #trong_tai_thuong_mai #ban_an #phan_quyet #toa_an #noi_dung_phan_quyet #trong_tai_thuong_mai_2010
1. Thông tin các bên
- Người yêu cầu: Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư xây dựng H (“Công ty H”)
- Người liên quan: Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Đ (“Công ty Tư vấn Đ”)
2. Tóm lược nội dung vụ tranh chấp:
2.1. Tranh chấp liên quan đến việc đòi phí dịch vụ của hợp đồng dịch vụ tư vấn.
Công ty Tư vấn Đ và Công ty H ký hợp đồng dịch vụ tư vấn (“Hợp đồng“) ngày 11/3/2021 để Công ty Tư vấn Đ thực hiện công tác lập phương án đấu nối và tính toán trào lưu công suất phục vụ hồ sơ bổ sung vào quy hoạch điện lực cho dự án nhà máy điện mặt trời W.
Công ty Tư vấn Đ cho rằng đã thực hiện xong phần công việc của mình, nên yêu cầu Công ty H thanh toán đợt 1 là 220.000.000 đồng và đợt 2 là 198.000.000 đồng như đã quy định trong Hợp đồng nhưng không được Công ty H thực hiện.
2.2. Vì vậy Công ty Tư vấn Đ đã khởi kiện đến Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (“VIAC”) để yêu cầu giải quyết buộc Công ty H phải thực hiện thanh toán tổng số tiền là 418.000.000 đồng cho Công ty Tư vấn Đ.
Công ty H cho rằng: Điều 7.1 Hợp đồng quy định “Hợp đồng này có hiệu lực kể từ ngày hợp đồng được hai bên ký kết và Tư vấn nhận được thanh toán đợt 1 từ Khách hàng theo như quy định tại Điều 5.2.1, Điều 5 Hợp đồng này“. Do Công ty H chưa thực hiện thanh toán đợt 1 nên Hợp đồng vẫn chưa có hiệu lực. Vì vậy Công ty H phản đối việc Công ty Tư vấn Đ căn cứ Hợp đồng về thỏa thuận giải quyết tại trọng tài để khởi kiện Công ty H ra trọng tài và không đồng ý toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Công ty Tư vấn Đ.
2.3. Nội dung chính của Phán quyết trọng tài:
Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty Tư vấn Đ, buộc Công ty H phải trả cho Công ty Tư vấn Đ các khoản tiền sau: (a) Tiền dịch vụ tư vấn còn thiếu là 418.000.000 đồng; và (b) Phí trọng tài là 40.576.000 đồng.
3. Nội dung và căn cứ yêu cầu hủy Phán quyết trọng tài của Người yêu cầu
Phán quyết trọng tài trái với nguyên tắc cơ bản như sau:
- Phán quyết áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự về hiệu lực hợp đồng mà không căn cứ vào thỏa thuận của các bên trong Hợp đồng;
- Phán quyết chấp nhận chứng cứ của Công ty Tư vấn Đ là “phiếu gửi của Saigonpost” trong đó chỉ thể hiện các thông tin địa chỉ người gửi, địa chỉ người nhận, trọng lượng, thời gian, họ tên nhân viên phát, chữ ký người nhận để làm cơ sở khẳng định thay cho bên Công ty Tư vấn Đ là trong bưu kiện có đầy đủ các sản phẩm tư vấn, từ đó kết luận Công ty Tư vấn Đ đã hoàn thành sản phẩm theo hợp đồng là vô lý, mang tính áp đặt.
4. Quyết định của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh (“Tòa án”)
4.1. Lý lẽ sau đây của Công ty H không được Tòa án chấp thuận:
“Phán quyết chấp nhận chứng cứ của Công ty Tư vấn Đ là “phiếu gửi của Saigonpost” trong đó chỉ thể hiện các thông tin địa chỉ người gửi, địa chỉ người nhận, trọng lượng, thời gian, họ tên nhân viên phát, chữ ký người nhận để làm cơ sở khẳng định thay cho bên Công ty Tư vấn Đ là trong bưu kiện có đầy đủ các sản phẩm tư vấn, từ đó kết luận Công ty Tư vấn Đ đã hoàn thành sản phẩm theo hợp đồng là vô lý, mang tính áp đặt.”
Lý do Tòa án không chấp nhận lý lẽ này của Công H bởi vì vấn đề này thuộc về nội dung vụ tranh chấp nên Tòa án không xem xét.
4.2. Yêu cầu sau đây của Công ty H được Tòa án chấp thuận để làm căn cứ hủy quyết định trọng tài:
Phán quyết áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự về hiệu lực hợp đồng mà không căn cứ vào thỏa thuận của các bên trong Hợp đồng. Cụ thể như sau:
(a) Quy định trong Bộ luật Dân sự hiện hành:
Tại khoản 2 Điều 3 quy định của Bộ luật Dân sự quy định về Các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự: “2. Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng“.
Tại khoản 1 Điều 401 Bộ luật Dân sự quy định về Hiệu lực của hợp đồng:”1. Hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật liên quan có quy định khác.“
(b) Điều 7.1 Hợp đồng quy định “Hợp đồng này có hiệu lực kể từ ngày hợp đồng được hai bên ký kết và Tư vấn nhận được thanh toán đợt 1 từ Khách hàng theo như quy định tại Điều 5.2.1, Điều 5 Hợp đồng này“.
(c) Phán quyết trọng tài xác định Hợp đồng không vi phạm hình thức, không trái đạo đức xã hội, không bị yêu cầu tuyên bố vô hiệu nên phát sinh hiệu lực tại thời điểm giao kết là chưa xem xét đầy đủ thỏa thuận của các bên tại Điều 7.1 Hợp đồng, do vậy nhận định trong Phán quyết trọng tài về thời điểm phát sinh hiệu lực của Hợp đồng là trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, thuộc một trong các trường hợp bị hủy theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 68 Luật Trọng tài thương mại. Vì vậy, yêu cầu hủy Phán quyết trọng tài của Công ty H là có cơ sở.
5. Nhận định của chúng tôi
5.1. Về việc Tòa án không chấp nhận lý lẽ của Công ty H nêu tại mục 4.1 trên đây (Phán quyết trọng tài là vô lý và mang tính áp đặt khi chấp nhận chứng cứ của Công ty Tư vấn Đ là phiếu gửi của Saigonpost) bởi vì vấn đề đó thuộc về nội dung vụ tranh chấp nên Tòa án không xem xét, chúng tôi đồng tình với Tòa án về điểm này.
5.2. Về căn cứ hủy Phán quyết trọng tài
Chúng tôi đồng tình với quan điểm của Tòa án về căn cứ để Tòa án hủy Phán quyết trọng tài nêu tại mục 4.2 trên đây (Phán quyết trọng tài trái nguyên tắc cơ bản khoản 2 Điều 3 quy định của Bộ luật Dân sự).
5.3. Về giá trị của thỏa thuận trọng tài khi thỏa thuận trọng tài ở trong một hợp đồng chưa có hiệu lực
Ở đây, chúng tôi thấy rằng có lẽ cần nêu rõ thêm một điểm mà Tòa án không đề cập tới, vì có thể Tòa án cho rằng không cần thiết phải nêu ra. Đó là giá trị của thỏa thuận trọng tài trong Hợp đồng khi Hợp đồng chưa có hiệu lực. Nghĩa là trường hợp này, nếu trong Hợp đồng có thỏa thuận trọng tài nhưng Hợp đồng chưa có hiệu lực (vì Công ty Tư vấn Đ chưa nhận được thanh toán đợt 1 của Công ty Tư vấn Đ) thì thỏa thuận trọng tài có giá trị hay không? Chúng tôi cho rằng thỏa thuận trong tài trong trường này vẫn có hiệu lực, bởi vì Điều 19 Luật trọng tài Thương mại quy định thỏa thuận trọng tài độc lập với hợp đồng:
“Điều 19. Tính độc lập của thoả thuận trọng tài
Thoả thuận trọng tài hoàn toàn độc lập với hợp đồng. Việc thay đổi, gia hạn, hủy bỏ hợp đồng, hợp đồng vô hiệu hoặc không thể thực hiện được không làm mất hiệu lực của thoả thuận trọng tài.”
Chúng tôi thấy rằng, qua tranh chấp này có nội dung đáng để chúng ta lưu ý. Đó là vấn đề xác định vấn đề thời điểm hợp đồng có hiệu lực khi đàm phán, ký kết, và cả trong quá trình thực hiện hợp đồng, nhằm tránh những rủi ro không đáng có.