Những điểm nhà đầu tư nước ngoài cần lưu ý khi đầu tư vào Việt Nam

Trước khi đầu tư vào Việt Nam, bên cạnh các yếu tố về thị trường, cơ sở hạ tầng, nguồn lao động, nhà đầu tư Nhật Bản cần lưu ý một số vấn đề pháp lý sau đây:

1. Loại hình doanh nghiệp

Có 5 loại hình doanh nghiệp tại Việt Nam, bao gồm: công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân. Trong đó, Nhà đầu tư nước ngoài thường lựa chọn 03 loại hình công ty dưới đây:

  Công ty cổ phần Công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên Công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên
Tư cách pháp nhân [1] [2] [3]
Sô lượng thành viên Cần ít nhất 3 cổ đông, không giới hạn số lượng tối đa[4] Duy nhất 1 chủ sở hữu là cá nhân hoặc tổ chức[5] Số lượng từ 2 – 50 thành viên[6]
Trách nhiệm của cổ đông/ thành viên Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp[7] Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty[8] Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp[9]
Khả năng huy động vốn Khả năng huy động vốn cao do có quyền phát hành cổ phiếu ra công chúng, trái phiếu và các loại chứng khoán khác; có thể mở rộng số lượng cổ đông[10] Khả năng huy động vốn hạn chế do không có quyền phát hành cổ phiếu ra công chúng[11] Khả năng huy động vốn hạn chế do không có quyền phát hành cổ phiếu ra công chúng[12]

2. Vốn điều lệ

Theo Luật Doanh nghiệp 2020, vốn điều lệ công ty là tổng giá trị tài sản do chủ sở hữu, các thành viên hoặc cổ đông đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty[13]. Nói cách khác, vốn điều lệ công ty là vốn góp mà nhà đầu tư góp vào Công ty. Thông thường, nhà đầu tư phải góp đầy đủ vốn điều lệ đăng ký trong vòng 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Vốn góp bằng tiền (VND hoặc ngoại tệ) của nhà đầu tư nước ngoài phải được góp thông qua tài khoản vốn đầu tư trực tiếp hoặc tài khoản vốn đầu tư gián tiếp được mở tại ngân hàng được phép tại Việt Nam.

3. Các loại thuế, phí

Khi đầu tư và thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam, nhà đầu tư Nhật Bản cần xem xét và lưu tâm đến việc thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế, gồm có:

  • Lệ phí môn bài[14];
  • Thuế thu nhập doanh nghiệp[15];
  • Thuế Giá trị gia tăng[16];
  • Thuế thu nhập cá nhân cho người lao động làm việc tại doanh nghiệp[17];
  • Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu[18];
  • Thuế tiêu thụ đặc biệt[19] (đối với doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu hàng hóa và kinh doanh dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc việt)
  • Thuế nhà thầu nước ngoài[20];
  • Thuế bảo vệ môi trường[21] (thu vào sản phẩm hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu tới môi trường)

4. Ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Khi dự định đầu tư vào Việt Nam, Nhà Đầu tư Nhật Bản cần kiểm tra trước ngành nghề kinh doanh dự kiến có thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo pháp luật Việt Nam hay không. Các điều kiện kinh doanh chủ yếu thể hiện qua hai nhóm gồm (i) điều kiện hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài[22] và (ii) điều kiện khi Nhà Đầu tư tiến hành hoạt động kinh doanh trên thực tế.

Đối với các điều kiện tiếp cận thị trường, Nhà Đầu tư Nhật Bản cần đảm bảo đáp ứng tất cả các điều kiện được quy định đối với ngành nghề đó trước khi tiến hành hoạt động đầu tư tại Việt Nam.  Các điều kiện về tiếp cận thị trường thông thường gồm có[23]:

  • Điều kiện về tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế;
  • Điều kiện về hình thức đầu tư;
  • Điều kiện về phạm vi hoạt động đầu tư.

Đối với các điều kiện khi tiến hành hoạt động kinh doanh, trường hợp Nhà Đầu tư Nhật Bản thực hiện đầu tư kinh doanh ngành nghề có điều kiện, Nhà Đầu tư phải đáp ứng đủ và đảm bảo duy trì các điều kiện đó trong suốt thời gian kinh doanh ngành nghề có điều kiện tại Việt Nam. Điều kiện khi tiến hành hoạt động kinh doanh thường được áp dụng thông qua một số hình thức[24]:

  • Giấy phép hoạt động;
  • Giấy chứng nhận đủ điều kiện;
  • Chứng chỉ hành nghề;
  • Văn bản xác nhận.

5. Chuyển tiền vào Việt Nam, chuyển lợi nhuận ra nước ngoài

a) Chuyển tiền vào Việt Nam

Việc góp vốn đầu tư của Nhà đầu tư Nhật Bản phải được thực hiện thông qua tài khoản vốn đầu tư được mở tại một ngân hàng thương mại; chi nhánh ngân hàng nước ngoài được kinh doanh và cung ứng dịch vụ ngoại hối tại Việt Nam[25]. Tài khoản vốn đầu tư bao gồm: tài khoản vốn đầu tư trực tiếp và tài khoản vốn đầu tư gián tiếp.

Tương ứng với loại ngoại tệ lựa chọn để thực hiện góp vốn đầu tư, Nhà Đầu tư Nhật Bản chỉ được mở 01 tài khoản vốn đầu tư trực tiếp bằng loại ngoại tệ đó để thực hiện góp vốn đầu tư, các giao dịch thu, chi; chuyển vốn, lợi nhuận và nguồn thu hợp pháp ra nước ngoài[26].

Đối với tài khoản vốn đầu tư gián tiếp, nhà đầu tư chỉ được mở 01 tài khoản vốn đầu tư gián tiếp bằng Đồng Việt Nam tại 01 ngân hàng được phép để thực hiện các giao dịch thu chi được phép liên quan đến hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam[27].

Trình tự thủ tục mở tài khoản vốn đầu tư được thực hiện theo thủ tục tại ngân hàng mà Nhà Đầu tư lựa chọn để mở tài khoản.

b) Chuyển lợi nhuận ra nước ngoài

Nhà Đầu tư Nhật Bản có thể chuyển lợi nhuận ra nước ngoài hằng năm sau khi kết thúc năm tài chính hoặc chuyển toàn bộ lợi nhuận ra nước ngoài sau khi kết thúc hoạt động đầu tư tại Việt Nam.

Điều kiện tiên quyết để Nhà Đầu tư Nhật Bản có thể chuyển lợi nhuận ra nước ngoài đó là hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước Viêt Nam theo quy định của pháp luật, bao gồm: nộp báo cáo tài chính được kiểm toán; tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp cho cơ quan quản lý thuế; thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo quy định của Luật Quản lý thuế[28]. Sau khi thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính nêu trên, Nhà Đầu tư Nhật Bản được phép chuyển lợi nhuận hợp pháp được chia hoặc thu được từ các hoạt động đầu tư tại Việt Nam ra nước ngoài. Nhà Đầu tư Nhật Bản có thể chuyển lợi nhuận ra nước ngoài bằng tiền hoặc bằng hiện vật. Việc chuyển lợi nhuận bằng tiền được thực hiện thông qua tài khoản vốn đầu tư mà Nhà Đầu tư đã mở khi chuyển tiền góp vốn đầu tư vào Việt Nam. Trường hợp lợi nhuận được chuyển ra nước ngoài là hiện vật, thì cần đảm bảo các hàng hóa/ vật phẩm này không thuộc trường hợp hàng hóa bị cấm xuất khẩu.


[1] Luật Doanh nghiệp 2020, Điều 111.2

[2] Luật Doanh nghiệp 2020, Điều 74.2

[3] Luật Doanh nghiệp 2020, Điều 46.2 

[4] Luật Doanh Nghiệp 2020, Điều 111.1.(b)

[5] Luật Doanh Nghiệp 2020, Điều 74.1

[6] Luật Doanh Nghiệp 2020, Điều 46.1

[7] Luật Doanh Nghiệp 2020, Điều 111.1.c

[8] Luật Doanh Nghiệp 2020, Điều 74.1

[9] Luật Doanh Nghiệp 2020, Điều 46.1

[10] Luật Doanh Nghiệp năm 2020, Điều 111.3

[11] Luật Doanh Nghiệp 2020, Điều 111.4

[12] Luật Doanh Nghiệp 2020, Điều 46.3 và Điều 46.4

[13] Law on Enterprise 2020, Article 4.34

[14] Nghị định số 139/2016/NĐ-CP về lệ phí môn bài, Điều 4.2.1 (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 22/2020/NĐ-CP)  

[15] Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008, được sửa đổi, bổ sung năm 2013 và 2014

[16] Luật Thuế giá trị gia tăng 2008, được sửa đổi, bổ sung năm 2013 và 2016

[17] Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007, được sửa đổi, bổ sung năm 2012

[18] Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016

[19] Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt 2008, được sửa đổi, bổ sung năm 2014, 2016 và 2022

[20] Thông tư số 103/2014/TT-BTC hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam

[21] Luật Thuế bảo vệ môi trường 2010

[22] Luật Đầu tư 2020, Điều 9.3

[23] Luật Đầu tư 2020, Điều 9.3

[24] Luật Đầu tư 2020, Điều 7.6

[25] Pháp lệnh Ngoại hối 2005, Điều 11 và Điều 12 (được sửa đổi năm 2013)

[26] Thông tư 06/2019/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, Điều 5.2

[27] Thông tư số 05/2014/TT-NHNN hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản vốn đầu tư gián tiếp để thực hiện hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam, Điều 4.1

[28] Thông tư số 186/2010/TT-BTC hướng dẫn thực hiện việc chuyển lợi nhuận ra nước ngoài của các tổ chức, cá nhân nước ngoài có lợi nhuận từ việc đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo quy định của Luật Đầu tư, Điều 4

Subscribe to receive our weekly legal updates
Subscription Form

You May Also Like