Vốn điều lệ: Những điểm Nhà Đầu tư Nhật Bản cần biết khi thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam

Vấn đề vốn phục vụ cho hoạt động đầu tư đóng vai trò rất quan trọng khi Nhà Đầu tư nước ngoài nói chung và Nhà Đầu tư Nhật Bản nói riêng (Sau đây được gọi tắt là “Nhà Đầu tư”) thực hiện hoạt động đầu tư vào thị trường Việt Nam. Do vậy, việc tìm hiểu các quy định pháp luật liên quan đến vốn điều lệ áp dụng đối với các loại hình doanh nghiệp là rất cần thiết đối với Nhà Đầu tư.

Trước hết, Luật Doanh nghiệp định nghĩa vốn điều lệ như sau: “Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần”[1].

Phạm vi bài viết này tâp trung vào các quy định về vốn điều lệ đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần. Đây là các loại hình doanh nghiệp thường được Nhà Đầu tư ưu tiên lựa chọn khi thực hiện đầu tư tại Việt Nam.

1. Tài sản góp vốn

Theo quy định tại Điều 34 Luật Doanh nghiệp 2020, Nhà Đầu tư có thể góp vốn bằng các tài sản như:

  • Tài sản góp vốn là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.

  • Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp hoặc có quyền sử dụng hợp pháp đối với tài sản góp vốn mới có quyền sử dụng tài sản đó để góp vốn.

2. Thời hạn góp vốn  

Pháp luật Việt Nam quy định thời gian mà Nhà Đầu tư phải tiến hành thực hiện góp vốn theo tùy từng loại hình công ty. Cụ thể:

a) Công ty TNHH hai thành viên trở lên:

    • Thành viên phải góp vốn cho công ty đủ và đúng loại tài sản đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, không kể thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản. Trong thời hạn này, thành viên có các quyền và nghĩa vụ tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp đã cam kết. Thành viên công ty chỉ được góp vốn cho công ty bằng loại tài sản khác với tài sản đã cam kết nếu được sự tán thành của trên 50% số thành viên còn lại[2].

b) Công ty TNHH một thành viên:

    • Chủ sở hữu công ty phải góp vốn cho công ty đủ và đúng loại tài sản đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, không kể thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản. Trong thời hạn này, chủ sở hữu công ty có các quyền và nghĩa vụ tương ứng với phần vốn góp đã cam kết[3].

c) Công ty cổ phần:

    • Các cổ đông sáng lập phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần quy định một thời hạn khác ngắn hơn. Trường hợp cổ đông góp vốn bằng tài sản thì thời gian vận chuyển nhập khẩu, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản đó không tính vào thời hạn góp vốn này. Hội đồng quản trị chịu trách nhiệm giám sát, đôn đốc cổ đông thanh toán đủ và đúng hạn các cổ phần đã đăng ký mua[4].

3. Hệ quả của việc không tuân thủ thời hạn góp vốn

a) Công ty TNHH hai thành viên:

Trường hợp có thành viên chưa góp hoặc chưa góp đủ thì hệ quả đối với thành viên và công ty như sau:

Về phía thành viên[5]:

    • Thành viên chưa góp vốn theo cam kết đương nhiên không còn là thành viên của công ty;
    • Thành viên chưa góp vốn đủ phần vốn góp như đã cam kết có các quyền tương ứng với phần vốn góp đã góp;
    • Phần vốn góp chưa góp của các thành viên được chào bán theo quyết định của Hội đồng thành viên;
    • Các thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết phải chịu trách nhiệm tương ứng với phần vốn góp đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước ngày công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ và phần vốn góp của thành viên.

Về phía công ty:

    • Trường hợp có thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết, công ty phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp của các thành viên bằng số vốn đã góp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ phần vốn góp theo quy định. Các thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết phải chịu trách nhiệm tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước ngày công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ và tỷ lệ phần vốn góp của thành viên[6].

b) Công ty TNHH 1 thành viên

Trường hợp không góp đủ vốn điều lệ trong thời hạn quy định, chủ sở hữu công ty phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ bằng giá trị số vốn đã góp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ vốn điều lệ.

Trường hợp này, chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm tương ứng với phần vốn góp đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước ngày cuối cùng công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ[7].

c) Công ty cổ phần

Nếu sau thời hạn quy định, có cổ đông chưa thanh toán hoặc chỉ thanh toán được một phần số cổ phần đã đăng ký mua thì hệ quả như sau:

Về phía cổ đông[8]:

    • Cổ đông chưa thanh toán số cổ phần đã đăng ký mua sẽ đương nhiên không còn là cổ đông của công ty và không được chuyển nhượng quyền mua cổ phần đó cho người khác;
    • Cổ đông chỉ thanh toán một phần số cổ phần đã đăng ký mua có quyền biểu quyết, nhận lợi tức và các quyền khác tương ứng với số cổ phần đã thanh toán; không được chuyển nhượng quyền mua số cổ phần chưa thanh toán cho người khác;
    • Cổ phần chưa thanh toán được coi là cổ phần chưa bán và Hội đồng quản trị được quyền bán;
    • Cổ đông chưa thanh toán hoặc chưa thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua phải chịu trách nhiệm tương ứng với tổng mệnh giá cổ phần đã đăng ký mua đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời hạn trước ngày công ty đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ.

Về phía công ty[9]:

    • Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua, công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng mệnh giá số cổ phần đã được thanh toán đủ, trừ trường hợp số cổ phần chưa thanh toán đã được bán hết trong thời hạn này; đăng ký thay đổi cổ đông sáng lập;
    • Thành viên Hội đồng quản trị, người đại diện theo pháp luật phải chịu trách nhiệm liên đới về các thiệt hại phát sinh do không thực hiện hoặc không thực hiện đúng quy định.

4. Vốn điều lệ và vốn pháp định

Vốn điều lệ là vốn do Nhà Đầu tư tham gia thành lập công ty đóng góp và được ghi vào Điều lệ công ty, được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của Công ty. Tuy nhiên theo pháp luật Việt Nam với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện về vốn thì vốn điều lệ của doanh nghiệp không được thấp hơn mức vốn pháp định. Trong trường hợp đó, doanh nghiệp có thể tăng hoặc giảm vốn điều lệ nhưng trong mọi trường hợp không được giảm vốn điều lệ xuống thấp hơn vốn pháp định.

Ví dụ: Ngân hàng thương mại phải đáp ứng điều kiện về vốn pháp định là 3.000 tỷ đồng, công ty tài chính phải có vốn pháp định là 500 tỷ đồng[10].

Như vậy, nếu nhà đầu tư nước ngoài thành lập doanh nghiệp kinh doanh trong các ngành nghề có yêu cầu về vốn pháp định, Nhà đầu tư phải đảm bảo vốn điều lệ của doanh nghiệp không thấp hơn vốn pháp định. Một số ngành nghề kinh doanh khác yêu cầu về vốn pháp định tại Việt Nam bao gồm kinh doanh chứng khoán, kinh doanh dịch vụ hàng không, bảo hiểm, môi giới bảo hiểm,…


[1] Luật Doanh nghiệp 2020, Điều 4.34

[2] Luật Doanh nghiệp 2020, Điều 47.2

[3] Luật Doanh nghiệp 2020, Điều 75.2.

[4] Luật Doanh nghiệp 2020, Điều 113.1.

[5] Luật Doanh nghiệp 2020, Điều 47.3.

[6] Luật Doanh nghiệp 2020, Điều 47.4.

[7] Luật Doanh nghiệp 2020, Điều 75.3.

[8] Luật Doanh nghiệp 2020, Điều 113.3 và Điều 113.4.

[9] Luật Doanh nghiệp 2020, Điều 113.3.(d) và Điều 113.4.

[10] Nghị định 86/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 quy định về mức vốn pháp định của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Điều 2.

Subscribe to receive our weekly legal updates
Subscription Form

You May Also Like