Hỗ trợ đầu tư là các biện pháp mà thông qua đó Chính phủ Việt Nam tạo cơ hội, cho phép các nhà đầu tư được hưởng những điều kiện thuận lợi nhất định về tài chính, hạ tầng kỹ thuật, khoa học công nghệ,…nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Theo quy định của Luật Đầu tư hiện hành, các đối tượng được hỗ trợ đầu tư bao gồm: doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp đầu tư vào giáo dục, phổ biến pháp luật và các đối tượng khác. Cụ thể, các đối tượng trên được hỗ trợ đầu tư thông qua 07 hình thức bao gồm:
- Hỗ trợ phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong và ngoài hàng rào dự án đầu tư là hình thức hỗ trợ trong đó Chính phủ Việt Nam hỗ trợ một phần vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước, vốn tính dụng ưu đãi hoặc huy động, kêu gọi các nhà đầu tư tham gia đầu tư nhằm nâng cấp hệ thống hạ tầng cơ sở phục vụ cho các hoạt động kinh tế – xã hội theo quy hoạch đã được quyết định hoặc phê duyệt theo quy định của pháp luật về quy hoạch.
- Hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực là hình thức hỗ trợ được thực hiện gắn liền với chính sách phát triển giáo dục. Cụ thể, Chính phủ Việt Nam chủ trương ưu tiên chi ngân sách cho các hoạt động giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Bên cạnh đó, các biện pháp huy động, khuyến khích xã hội hóa giáo dục cũng được áp dụng nhằm thu hút các nguồn đầu tư thành lập trường giáo dục nghề nghiệp, trường đại học, các quỹ hỗ trợ đào tạo nhằm phát triển nguồn nhân lực đồng đều, chất lương cao, đáp ứng nhu cầu hoạt động kinh doanh của các nhà đầu tư.
- Hỗ trợ tín dụng là hình thức hỗ trợ để giúp đỡ giải quyết khó khăn về vốn, theo đó một số quỹ tài chính được thành lập và thực hiện hoạt động bảo lãnh tín dụng cho các nhà đầu tư được vay vốn từ các ngân hàng thương mại. Bên cạnh đó, nước ta cũng có các chính sách khuyến khích các ngân hàng thương mại cho vay và khuyến khích các quỹ do tư nhân thành lập góp vốn vào các doanh nghiệp, tạo ra nền tảng tài chính vững vàng cho các hoạt động đầu tư.
- Hỗ trợ tiếp cận mặt bằng sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ cơ sở sản xuất, kinh doanh di dời theo quyết định của cơ quan nhà nước là hình thức hỗ trợ đầu tư hình thành trên cơ sở Luật Đất đai, cho phép các nhà đầu tư tiếp cận mặt bằng sản xuất, kinh doanh nhờ được giao đất, cho thuê đất, hoặc được Chính phủ Việt Nam công nhận quyền sử dụng đất, hoặc nhận chuyển quyền sử dụng đất từ người sử dụng đất khác. Các biện pháp hỗ trợ này được cụ thể hóa thông qua việc xây dựng ra các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế, với cơ sở hạ tầng kỹ thuật – xã hội sẵn có để các nhà đầu tư thuê, thực hiện dự án cũng như các chính sách hỗ trợ tài chính cho việc di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi nội thành, đô thị.
- Hỗ trợ khoa học, kỹ thuật, chuyển giao công nghệ là những hỗ trợ được thực hiện thông qua các tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ để cung cấp dịch vụ khoa học và công nghệ. Bên cạnh đó còn có chính sách truyền thông, phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia và thống kê về khoa học và công nghệ để cung cấp thông tin khoa học, công nghệ nhằm phục vụ nghiên cứu, đào tạo, sản xuất và kinh doanh của các tổ chức, các nhân.
- Hỗ trợ phát triển thị trường, cung cấp thông tin là những sự hỗ trợ để giải quyết khó khăn về thị trường sản phẩm đầu ra cho các doanh nghiệp thông qua việc tổ chức thực hiện các Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia.
- Hỗ trợ nghiên cứu và phát triển được thực hiện bằng cách đảm bảo năng lực của các tổ chức khoa học và công nghệ; đồng thời xây dựng, phát triển thị trường khoa học và công nghệ. Cụ thể, Chính phủ Việt Nam sẽ giao nhiệm vụ khoa học, công nghệ; ưu đãi, hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ đối với các tổ chức khoa học và công nghệ, các cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ để tăng cường năng lực nghiên cứu trong nước, đẩy mạnh phục vụ nghiên cứu và phát triển…nhằm tạo ra những giải pháp đột phá, thúc đẩy hoạt động đầu tư.
Nhìn chung, các hình thức hỗ trợ đầu tư hiện nay rất đa dạng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp. Khi thực hiện hoạt động đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực được hưởng hỗ trợ, các nhà đầu tư Nhật Bản cần lưu ý tìm hiểu và nghiên cứu kĩ các hình thức hỗ trợ, nhằm thuận tiện hóa quá trình đầu tư, đạt được hiệu quả và lợi nhuận cao.