BAN PHÂN XỬ TRANH CHẤP – KHUNG PHÁP LUẬT VÀ KINH NGHIỆM TỪ MỘT VỤ VIỆC THỰC TẾ

Hội nghị ADR và Khiếu nại Xây dựng quốc tế 2023 (ICCADR 2023) được tổ chức ngày 08 và ngày 09 năm 2023 hoàn toàn trên nền tảng Zoom, trên nền tảng kế thừa sự thành công của Hội nghị ADR và Khiếu nại Xây dựng Quốc tế năm ngoái tại Dubai, vốn thu hút hơn 300 người tham gia trực tuyến và hơn 100 người tham gia trực tiếp, đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau, cùng nhau thảo luận về thực tiễn và kinh nghiệm trong hoạt động xây dựng.

ICCADR 2023 năm nay được chia làm 08 phiên thảo luận, diễn ra trong 02 ngày, được trình bày bởi các diễn giả có kinh nghiệm và chuyên môn trong lĩnh vực. 

Luật sư Lưu Vĩnh – Luật sư điều hành của Công ty Luật TNHH Asia Legal vinh dự là một trong các diễn giả của ICCADR 2023. Trong khuôn khổ ICCADR 2023, Luật sư Lưu Vĩnh đã có những chia sẻ về khung pháp lý, việc giải quyết tranh chấp, các thách thức và triển vọng tương lai của Ban phân xử tranh chấp (Dispute Adjudication Board (DAB)) theo pháp luật Việt Nam. 

Theo đó, DAB không được đề cập tới trong Luật Xây dựng 2003, mà chỉ được nhắc đến tại Thông tư 02/2005/TT-BXD và áp dụng cho các dự án xây dựng sử dụng vốn nhà nước. Tuy nhiên, DAB không còn xuất hiện trong các văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn sau đó, như Thông tư 09/2011/TT-BXD hướng dẫn chi tiết Nghị định 48/2010/NĐ-CP về mẫu hợp đồng thi công xây dựng công trình, áp dụng cho các dự án sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên.

Sau khi Luật Xây dựng 2014 ra đời, Chính phủ đã ban hành Nghị định 37/2015/NĐ-CP quy định chi tiết hợp đồng xây dựng, và có các quy định điều chỉnh hoạt động của DAB. Cụ thể, Nghị định 37/2015/NĐ-CP đã có các điều khoản về việc thành lập, vai trò, số lượng, điều kiện, giá trị pháp lý của quyết định do DAB ban hành. Tuy nhiên, một lần nữa, quy định về DAB vẫn chỉ dừng ở mức độ cơ bản, và không có thêm các hướng dẫn chi tiết sau đó.

Tại Hội nghị này, bên cạnh các chia sẻ về lịch sử hình thành của DAB theo tiến trình phát triển của pháp luật Việt Nam, Luật sư Lưu Vĩnh cũng có những chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong việc giải quyết thành công một tranh chấp xây dựng quy mô lớn trong lĩnh vực điện gió thông qua cơ chế DAB, mà Luật sư Lưu Vĩnh là một thành viên của DAB. Đây được coi là một trong những vụ giải quyết tranh chấp hiếm hoi và đầu tiên thông qua cơ chế DAB tại Việt Nam, đối với một dự án xây dựng không sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

ICCADR 2023 khép lại với phần hỏi đáp giữa các diễn giả và người tham dự xoay quanh chủ đề này. Nội dung được trình bày tại Hội nghị này phần nào đã giúp cho những người tham gia hiểu rõ hơn về các quy định liên quan đến việc giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực xây dựng, dưới góc nhìn so sánh, tại các quốc gia khác nhau, trong đó có Việt Nam.

 

You May Also Like