Chiều 06/10/2023, Câu Lạc Bộ Luật Sư Thương Mại Quốc Tế Việt Nam (VBLC) tổ chức Hội thảo “Pháp luật về Giao Dịch Điện Tử” nhằm chia sẻ những điểm mới của Luật Giao dịch điện tử 2023 đến các Luật sư thành viên và những người đang hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử. Chương trình có sự tham dự của gần 100 khách mời là các chuyên gia, luật sư, đại diện của các văn phòng luật sư và các doanh nghiệp: Ford, Honda, FPT Telecom, Vingroup, HTC Việt Nam, Idemitsu, Norvatis Việt Nam, One Mount Group, EVN, PVN, Vinataba, Viglacera Corporation, TTP Bengoshi, Bảo hiểm nhân thọ MB Ageas, BIDV, VPBank…
Phát biểu khai mạc hội thảo, Luật sư Trần Thanh Huyền – Chủ nhiệm VBLC chia sẻ về xu hướng phát triển của thương mại điện tử tại Việt Nam đang ngày càng được mở rộng và hiện đã trở thành phương thức kinh doanh phổ biến được doanh nghiệp, người dân biết đến. Với việc ban hành Luật Giao dịch điện tử 2023, khung pháp lý cho thương mại điện tử tại Việt Nam về cơ bản sẽ được hoàn thiện, bảo đảm môi trường kinh doanh thuận lợi, tạo sân chơi, sự cạnh tranh lành mạnh, công bằng để có thể giúp thương mại điện tử Việt Nam theo kịp với thị trường quốc tế.
Trong phần trình bày tại hội thảo, Thạc sỹ, Luật sư Lưu Vĩnh – Giám đốc Công ty Luật Asia Legal chia sẻ rằng Luật Giao dịch điện tử 2023 đã mở ra một cơ chế hoàn toàn mới, cho phép việc chuyển đổi văn bản, tài liệu, chứng từ, hợp đồng,… từ hình thức thông điệp dữ liệu thành bản giấy và ngược lại. Điểm mới này chắc chắn sẽ giúp giảm tải gánh nặng cho công tác văn thư, lưu trữ tài liệu. Tuy nhiên, điều kiện để thực hiện việc chuyển đổi vẫn chưa thực sự rõ ràng và sẽ cần phải được hướng dẫn thêm trước khi có thể ứng dụng rộng rãi trong giao dịch điện tử.
Bên cạnh đó, Luật Giao dịch điện tử 2023 nghiêm cấm hành vi thu thập, cung cấp, tiết lộ, phát tán trái pháp luật thông điệp dữ liệu. Theo Thạc sỹ, Luật sư Lưu Vĩnh, đây là một sự điều chỉnh hết sức kịp thời để đối phó với tình hình trao đổi, mua bán thông tin cá nhân đã và đang diễn ra ngày càng phức tạp, tinh vi. Thạc sỹ, Luật sư Lưu Vĩnh cũng lưu ý một điểm mới về vấn đề công nhận giá trị pháp lý và tính ràng buộc của hợp đồng điện tử được giao kết hoặc thực hiện thông qua hệ thống thông tin tự động. Theo đó các doanh nghiệp cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, kiểm tra, rà soát hệ thống thông tin của mình thường xuyên để phòng ngừa các rủi ro pháp lý khi thực hiện các giao dịch trên môi trường điện tử.
Ông Lê Đức Anh – Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cũng có những chia sẻ hết sức tâm huyết về hoạt động của Trục Hợp đồng điện tử trong việc nghiên cứu và ứng dụng hợp đồng điện tử có tích xanh: “Thông qua việc ứng dụng công nghệ chứng thực hợp đồng với kỹ thuật lưu trữ file HASH (kỹ thuật băm – Hashing), dịch vụ chứng thực hợp đồng chỉ làm nhiệm vụ chứng thực, chống chối bỏ trách nhiệm giữa các bên, hỗ trợ giải quyết khi có tranh chấp chứ không lưu trữ và không truyền nhận nội dung hợp đồng trên hệ thống của các CeCA và Trục Hợp đồng điện tử của Bộ Công Thương. Doanh nghiệp hoàn toàn có thể yên tâm về việc bảo mật và toàn vẹn của nội dung hợp đồng”.
Chia sẻ về những vấn đề pháp lý xung quanh tài sản ảo tại Việt Nam, Tiến sỹ Lưu Hương Ly, Trưởng phòng, Vụ Pháp luật dân sự – kinh tế, Bộ Tư pháp đã mang đến cho những khách mời tham dự một góc nhìn tổng quan về tài sản ảo, kinh nghiệm quốc tế trong việc đưa ra khái niệm về tài sản ảo và ứng dụng của tài sản ảo trong đời sống kinh tế – xã hội. Dẫn chiếu một số vụ việc tại Việt Nam có đối tượng là tài sản ảo (bitcoin), Tiến sỹ Lưu Hương Ly nhận định rằng một khung pháp lý có thể sẽ được nghiên cứu xây dựng theo hướng công nhận tài sản ảo là một loại tài sản theo pháp luật Việt Nam, và việc giải quyết các vấn đề phát sinh sẽ tùy thuộc vào mục đích sử dụng của loại tài sản ảo đó.
Sau hơn 3 tiếng trao đổi và thảo luận không nghỉ, Hội thảo “Pháp luật về Giao Dịch Điện Tử” đã chính thức bế mạc với phần giải đáp thắc mắc cho hàng loạt các câu hỏi xoay quanh vấn đề ứng dụng hợp đồng điện tử, chữ ký điện tử trong giao dịch với cơ quan nhà nước, cơ quan tố tụng và giải quyết tranh chấp,… Những nội dung được trình bày tại hội thảo sẽ giúp các Luật sư thành viên, các doanh nghiệp nắm rõ điểm mới của Luật Giao dịch điện tử 2023 để yên tâm ứng dụng hợp đồng điện tử, chữ ký điện tử giúp tiết kiệm chi phí, nhanh chóng nắm bắt cơ hội kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh.