Khi lên kế hoạch đầu tư vào Việt Nam, Nhà Đầu tư nước ngoài cần xem xét ngành nghề mà mình dự định đầu tư kinh doanh tại Việt Nam có phải ngành nghề kinh doanh có điều kiện hay không. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, có hai loại điều kiện được áp dụng bao gồm: (i) Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài; và (ii) Điều kiện tiến hành hoạt động kinh doanh trên thực tế.
1. Điều kiện tiếp cận thị trường đối với Nhà Đầu tư nước ngoài[1]
Điều kiện tiếp cận thị trường đối với Nhà đầu tư nước ngoài là điều kiện tiền kiểm, cơ quan đăng ký đầu tư của Việt Nam sẽ kiểm tra việc đáp ứng điều kiện này trước khi chấp thuận cho Nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.
Theo quy định tại Điều 9 Luật Đầu tư năm 2020, Nhà đầu tư nước ngoài được áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư trong nước, trừ trường hợp ngành nghề mà Nhà đầu tư nước ngoài dự định đầu tư tại Việt Nam thuộc Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với Nhà đầu tư nước ngoài do Chính phủ ban hành. Danh mục này được quy định tại Phụ lục I của Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ban hành bởi Chính phủ Việt Nam vào ngày 26 tháng 03 năm 2021 và có thể dễ dàng truy cập tại Cổng thông tin Quốc Gia về đầu tư nước ngoài: http://dautunuocngoai.gov.vn. Danh sách này bao gồm hai nhóm:
(i) Ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện; và
(ii) Ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường.
Khi đầu tư vào ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện, Nhà đầu tư nước ngoài cần phải đáp ứng tất cả các điều kiện tiếp cận thị trường đối với ngành nghề đó. Tùy từng ngành nghề cụ thể, điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài có thể bao gồm một, một số hoặc toàn bộ các điều kiện như sau:
- Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế;
- Hình thức đầu tư;
- Phạm vi hoạt động đầu tư;
- Năng lực của nhà đầu tư; đối tác tham gia thực hiện hoạt động đầu tư;
- Điều kiện khác theo quy định tại luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên[2].
Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào ngành nghề chưa có cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam, nhưng quy định của Việt Nam không hạn chế tiếp cận thị trường đối với ngành, nghề đó thì nhà đầu tư nước ngoài được tiếp cận thị trường như nhà đầu tư trong nước[3].
2. Điều kiện tiến hành hoạt động kinh doanh trên thực tế
Sau khi đáp ứng các điều kiện tiếp cận thị trường, khi thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, Nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh theo quy định của Luật đầu tư năm 2020 và bảo đảm duy trì đủ điều kiện đầu tư kinh doanh đó trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh của mình. Những điều kiện này áp dụng chung đối với mọi tổ chức, cá nhân kinh doanh tại Việt Nam, bao gồm cả tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được liệt kê tại Phụ lục IV của Luật Đầu tư năm 2020 và được quy định chi tiết tại luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Ví dụ về một số ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện có thể kể đến như: kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh dịch vụ bảo vệ, kinh doanh ca-si-nô (casino), kinh doanh xăng dầu, kinh doanh rượu, etc[4]. Điều kiện đầu tư kinh doanh được áp dụng theo một hoặc một số hình thức sau đây[5]:
a) Giấy phép;
b) Giấy chứng nhận;
c) Chứng chỉ hành nghề;
d) Chứng chỉ;
e) Văn bản xác nhận, chấp thuận;
g) Các yêu cầu khác mà cá nhân, tổ chức kinh tế phải đáp ứng để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh mà không cần phải có xác nhận bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền.
Tương ứng với mỗi ngành nghề kinh doanh có điều kiện, các điều kiện cụ thể của từng ngành nghề có thể nằm rải rác trong một số luật, nghị định, thông tư, quyết định, etc. Do đó, trước khi quyết định đầu tư vào Việt Nam, chúng tôi luôn khuyến nghị các Nhà đầu tư nước ngoài kiểm tra xem ngành nghề mình dự định đầu tư vào Việt Nam có phải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện hay không, hoặc tham vấn ý kiến chuyên môn từ các hãng luật kinh doanh thương mại trong nước.
[1] Điều 9 Luật đầu tư năm 2020
[2] Khoản 3, Điều 9 Luật đầu tư năm 2020
[3] Khoản 4, Điều 17 Nghị định số 31/2021/ND-CP
[4] Phụ lục 4, Luật đầu tư năm 2020
[5] Khoản 6, Điều 7 Luật đầu tư năm 2020