Các ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định pháp luật Việt Nam

Một trong các quyền luật định của doanh nghiệp là “tự do kinh doanh ngành, nghề mà luật không cấm”[1]. Luật Đầu tư quy định danh mục các ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh tại Việt Nam mà mọi tổ chức, cá nhân, bao gồm cả nhà đầu tư nước ngoài đều phải tuân thủ.

  1. Các ngành, nghề bị cấm kinh doanh

Theo quy định tại Điều 6 Luật Đầu tư 2020, có 8 ngành nghề bị cấm kinh doanh[2] bao gồm:

  • Kinh doanh các chất ma túy

Những chất ma túy bị cấm đầu tư kinh doanh được quy định tại Phụ Lục I của Luật Đầu tư 2020, bao gồm 47 loại, có thể kế đến các loại chất ma túy điển hình: Cetorphine, Acetyl-alpha- methylfenany, Alphacetylmethadol, Alpha-methylfentanyl, Beta-hydroxyfentanyl, Brolamphetamine, Cần sa và các chế phẩm từ cần sa, Heroine, thuốc phiện và các chế phẩm từ thuốc phiện,…

  • Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật

Theo Phụ Lục II của Luật Đầu tư 2020 có 18 loại hợp chất và khoáng vật bị cấm đầu tư kinh doanh, trong đó có một số chất điển hình: các chất khí gây bỏng chứa lưu huỳnh, hơi cay nitơ, axit dodecyl benzen sunfonic.

  • Kinh doanh mẫu vật các loại thực vật, động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên

Mẫu vật các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm thuộc Nhóm I có nguồn gốc từ tự nhiên bị cấm đầu tư kinh doanh được quy định tại Phụ lục III Luật Đầu tư năm 2020.

  • Kinh doanh mại dâm
  • Mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người
  • Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người
  • Kinh doanh pháo nổ
  • Kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài không được thực hiện các hoạt động đầu tư kinh doanh liên quan đến các ngành, nghề quy định nêu trên.

  • Hậu quả pháp lý khi kinh doanh ngành, nghề bị cấm

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020, một trong các điều kiện để cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho tổ chức, cá nhân là Ngành, nghề đăng ký kinh doanh không bị cấm đầu tư kinh doanh[3].Như vậy, khi đăng ký các ngành, nghề bị cấm, tổ chức cá nhân sẽ không được cấp Giấy đăng ký doanh nghiệp.

Ngoài ra, tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh đối với ngành nghề bị cấm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với hoạt động kinh doanh mại dâm[4]; buôn bán trái phép chất ma túy[5], kinh doanh pháo nổ[6], kinh doanh mô bán người, mô, bộ phận cơ thể người[7]. Mặc dù pháp nhân thương mại không bị phạt tù[8]. Bộ luật hình sự năm 2015 quy định rằng: “Việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân.” Do đó, cá nhân chỉ đạo, thông qua quyết định dẫn đến hành vi phạm tội của pháp nhân có thể phải chịu hình phạt đến mức cao nhất là tù chung thân.

  • Ngoại lệ về sử dụng, sản xuất các sản phẩm trong danh mục bị cấm trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, y tế, điều tra tội phạm, bảo vệ quốc phòng, an ninh

Mặc dù bị cấm đối với cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, việc sản xuất, sử dụng sản phẩm các chất ma túy, các loại hóa chất, khoáng vật, các mẫu vật các loại thực vật, động vật hoang dã trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, y tế, sản xuất dược phẩm, điều tra tội phạm, bảo vệ quốc phòng, an ninh vẫn có thể được thực hiện với các điều kiện sau:

  • Các chất ma túy quy định tại Phụ lục 1 của Luật Đầu tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép sản xuất, sử dụng theo quy định của Chính phủ về danh mục chất ma túy, tiền chất và Công ước thống nhất về chống ma túy năm 1961, Công ước Liên hợp quốc năm 1988 về chống buôn bán bất hợp pháp các chất ma túy và chất hướng thần[9];
  • Các loại hóa chất, khoáng vật quy định tại Phụ lục 2 của Luật Đầu tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép sản xuất, sử dụng theo quy định của Chính phủ về quản lý hóa chất thuộc diện kiểm soát của Công ước cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học và các văn bản hướng dẫn Công ước Rotterdam về thủ tục thỏa thuận có thông báo trước đối với một số hóa chất nguy hại và thuốc bảo vệ thực vật trong buôn bán quốc tế[10];
  • Mẫu các loài thực vật, động vật hoang dã quy định tại Phụ lục 3 của Luật Đầu tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép khai thác theo quy định của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã, nguy cấp (CITES)[11].

[1] Luật Doanh nghiệp năm 2020, Điều 7.1

[2] Luật Đầu tư năm 2020, Điều 6.1.(a)

[3] Luật Đầu tư 2020, Điều 27.1.(a)

[4] Tội môi giới mại dâm quy định tại Điều 328 Bộ luật hình sự năm 2015

[5] Các tội phạm liên quan đến ma túy được quy định tại Chương XX Bộ luật Hình sự năm 2015

[6] Tội phạm sản xuất và buôn bán hàng cấm được quy định tại Điều 190 Bộ luật Hình sự năm 2015

[7] Tội phạm mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người được quy định tại Điều 154 Bộ luật Hình sự năm 2015

[8] Bộ luật hình sự năm 2015, Điều 33

[9] Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ban hành bởi Chính Phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đầu tư (“Nghị định số 31/2021/NĐ-CP”), Điều 10.2.(a)

[10] Nghị định số 31/2021/NĐ-CP, Điều 10.2.(b)

[11] Nghị đinh số 31/2021/NĐ-CP, Điều 10.2.(c)

You May Also Like