PHÁN QUYẾT TRỌNG TÀI ĐIỆN TỬ VÀ CHỮ KÝ ĐIỆN TỬ: BƯỚC TIẾN MỚI CHO HOẠT ĐỘNG TRỌNG TÀI TẠI VIỆT NAM TRONG KỶ NGUYÊN SỐ

Ngày 10 tháng 12 năm 2024, tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Trung tâm Trọng tài Thương mại Quốc tế Việt – Trung cùng Ủy ban Trọng tài Bắc Hải đã phối hợp tổ chức buổi Tọa đàm Pháp luật về Trọng tài Thương mại Quốc tế năm 2024. Sự kiện vinh dự được chào đón 40 đại diện từ các tổ chức và chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực trọng tài thương mại quốc tế của Việt Nam và Trung Quốc.

Trọng tài thương mại ngày càng đóng vai trò quan trọng trong giải quyết tranh chấp, đặc biệt trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ. Tại hội thảo, Thạc sĩ, Luật sư Lưu Xuân Vĩnh đã có bài phát biểu chuyên sâu về “Phán quyết trọng tài điện tử và chữ ký điện tử trong phán quyết trọng tài – Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam”. Đây là một trong những chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm không chỉ tại các nước trên thế giới mà ngay cả UNCITRAL cũng nghiên cứu nhằm phục vụ quá trình xây dựng luật mẫu về trọng tài.

Theo Thạc sĩ, Luật sư Lưu Xuân Vĩnh, mặc dù Luật TTTM 2010 đã đặt nền móng cho việc phát triển trọng tài thương mại tại Việt Nam, nhưng sau hơn một thập kỷ thực thi, luật này đã bộc lộ nhiều hạn chế. Các quy định về hình thức và giá trị pháp lý của phán quyết trọng tài điện tử chưa được làm rõ, gây khó khăn trong thực tiễn áp dụng. Mặc dù đã có quy định về hình thức của thỏa thuận trọng tài được lập bằng văn bản, bao gồm các hình thức như telegram, fax, telex hay email, tuy nhiên, theo nhận xét của Thạc sĩ, Luật sư Lưu Xuân Vĩnh, Luật TTTM 2010 vẫn chưa làm rõ giá trị pháp lý của phán quyết trọng tài dưới dạng điện tử.

Phán quyết trọng tài điện tử là phán quyết được lập và lưu trữ dưới dạng thông điệp dữ liệu, phù hợp với khái niệm về thông điệp dữ liệu quy định trong Luật Giao dịch Điện tử 2023. Song, Luật TTTM 2010 hiện chưa dẫn chiếu đến các quy định cụ thể trong Luật Giao dịch Điện tử 2023 về vấn đề này. Vì vậy, Thạc sĩ, Luật sư Lưu Xuân Vĩnh đề xuất bổ sung vào Điều 61 Luật Trọng tài Thương mại 2010, chính thức công nhận phán quyết điện tử là “văn bản” nếu đáp ứng các tiêu chí của Luật Giao dịch Điện tử 2023.

Chữ ký điện tử – yếu tố xác nhận tính hợp lệ của các tài liệu trực tuyến – cũng chưa được quy định cụ thể trong Luật TTTM 2010. Trong khi đó, Luật Giao dịch Điện tử 2023 đã xác định giá trị pháp lý tương đương chữ ký tay của các loại chữ ký số và chữ ký điện tử bảo đảm an toàn. Vì vậy, Thạc sĩ, Luật sư Lưu Xuân Vĩnh tiếp tục đề xuất bổ sung quy định trọng tài viên có thể sử dụng chữ ký số đảm bảo an toàn để ký trên phán quyết trọng tài điện tử. Việc này không chỉ đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật trong giao dịch điện tử mà còn đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa và tối ưu hóa quy trình tố tụng trọng tài trong kỷ nguyên số.

Dưới sự dẫn dắt của Thạc sĩ, Luật sư Lưu Xuân Vĩnh, Asia Legal đã và đang tiếp tục khẳng định danh tiếng như một trong những công ty luật hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài thương mại và các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế. Với đội ngũ luật sư giàu kinh nghiệm, Asia Legal đã tham gia tư vấn và giải quyết nhiều vụ tranh chấp trong nước và quốc tế.

You May Also Like