CƠ CẤU TỔ CHỨC QUẢN LÝ CÔNG TY TNHH HAI THÀNH VIÊN TRỞ LÊN

Công ty TNHH hai thành viên trở lên là một loại hình doanh nghiệp phổ biến được các nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn khi đầu tư vào Việt Nam. Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài cần nắm rõ các quy định của pháp luật về cơ cấu tổ chức quản lý của Công ty TNHH hai thành viên trở lên để thuận lợi trong quá trình quản lý doanh nghiệp.

Theo quy định tại Điều 54 Luật Doanh nghiệp 2020, cơ cấu tổ chức của công ty TNHH hai thành viên trở lên được thể hiện như sơ đồ dưới đây:

Theo sơ đồ trên:

1. Hội Đồng Thành Viên

Hội đồng thành viên là cơ quan quyết định cao nhất của công ty, bao gồm tất cả thành viên công ty là cá nhân và người đại diện theo ủy quyền của thành viên công ty là tổ chức. Điều lệ công ty quy định kỳ họp Hội đồng thành viên, nhưng ít nhất mỗi năm phải họp một lần.

Hội đồng thành viên có quyền[1]:

  • Tham dự họp Hội đồng thành viên, thảo luận, kiến nghị, biểu quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng thành viên;
  • Có số phiếu biểu quyết tương ứng với phần vốn góp, trừ trường hợp luật có quy định khác;
  • Được chia lợi nhuận tương ứng với phần vốn góp sau khi công ty đã nộp đủ thuế và hoàn thành các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật;
  • Được chia giá trị tài sản còn lại của công ty tương ứng với phần vốn góp khi công ty giải thể hoặc phá sản;
  • Được ưu tiên góp thêm vốn vào công ty khi công ty tăng vốn điều lệ;
  • Định đoạt phần vốn góp của mình bằng cách chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ, tặng cho và hình thức khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty;
  • Tự mình hoặc nhân danh công ty khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật và người quản lý khác theo quy định của pháp luật; và
  • Quyền khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ công ty.

2. Chủ tịch Hội Đồng Thành Viên

Chủ tịch Hội Đồng Thành Viên là một thành viên được Hội Đồng Thành Viên bầu ra, có thể kiêm Giám đốc/ Tổng Giám đốc công ty[2]. Nhiệm kỳ của Chủ tịch Hội Đồng Thành viên do Điều lệ công ty quy định nhưng không quá 05 năm và có thể được bầu lại với số nhiệm kỳ không hạn chế[3].

Công ty phải có ít nhất một người đại diện theo pháp luật là người giữ một trong các chức danh là Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp Điều lệ công ty không quy định thì Chủ tịch Hội đồng thành viên là người đại diện theo pháp luật của công ty.

Quyền và nghĩa vụ của Chủ tịch Hội Đồng Thành Viên[4]:

  • Chuẩn bị chương trình, kế hoạch hoạt động của Hội đồng thành viên;
  • Chuẩn bị chương trình, nội dung, tài liệu họp Hội đồng thành viên hoặc để lấy ý kiến các thành viên;
  • Triệu tập, chủ trì và làm chủ tọa cuộc họp Hội đồng thành viên hoặc tổ chức việc lấy ý kiến các thành viên;
  • Giám sát hoặc tổ chức giám sát việc thực hiện nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên; và
  • Thay mặt Hội đồng thành viên ký nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên;
  • Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty.

3. Giám đốc/ Tổng Giám đốc

Giám đốc/ Tổng Giám đốc là người điều hành hoạt động kinh doanh hằng ngày của Công ty, chịu trách nhiệm trước Hội đồng thành viên về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình[5].

Quyền và nghĩa vụ của Giám đốc/ Tổng Giám đốc[6]:

  • Tổ chức thực hiện nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên;
  • Quyết định các vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty;
  • Tổ chức thực hiện kế hoạch kinh doanh và phương án đầu tư của công ty;
  • Ban hành quy chế quản lý nội bộ của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác;
  • Bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm người quản lý trong công ty, trừ chức danh thuộc thẩm quyền của Hội đồng thành viên;
  • Ký kết hợp đồng nhân danh công ty, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Hội đồng thành viên;
  • Kiến nghị phương án cơ cấu tổ chức công ty;
  • Trình báo cáo tài chính hằng năm lên Hội đồng thành viên;
  • Kiến nghị phương án sử dụng và phân chia lợi nhuận hoặc xử lý lỗ trong kinh doanh;
  • Tuyển dụng lao động; và
  • Quyền và nghĩa vụ khác được quy định tại Điều lệ công ty, nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên, hợp đồng lao động.

4. Ban Kiểm Soát

Ban kiểm soát có từ 01 đến 05 Kiểm soát viên. Nhiệm kỳ Kiểm soát viên không quá 05 năm và có thể được bổ nhiệm lại với số nhiệm kỳ không hạn chế. Trường hợp Ban kiểm soát chỉ có 01 Kiểm soát viên thì Kiểm soát viên đó đồng thời là Trưởng Ban kiểm soát và phải đáp ứng tiêu chuẩn của Trưởng Ban kiểm soát[7].

Quyền và nghĩa vụ của Ban kiểm soát[8]:

  • Thực hiện giám sát Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc trong việc quản lý và điều hành công ty;
  • Kiểm tra tính hợp lý, hợp pháp, tính trung thực và mức độ cẩn trọng trong quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh; tính hệ thống, nhất quán và phù hợp của công tác kế toán, thống kê và lập báo cáo tài chính;
  • Thẩm định tính đầy đủ, hợp pháp và trung thực của báo cáo tình hình kinh doanh, báo cáo tài chính hằng năm và 06 tháng của công ty và trình báo cáo thẩm định tại cuộc họp Hội đồng thành viên. Rà soát hợp đồng, giao dịch với người có liên quan thuộc thẩm quyền phê duyệt của Hội đồng thành viên và đưa ra khuyến nghị về hợp đồng, giao dịch cần có phê duyệt của Hội đồng thành viên;
  • Rà soát, kiểm tra và đánh giá hiệu lực và hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, quản lý rủi ro và cảnh báo sớm của công ty;
  • Xem xét sổ kế toán, ghi chép kế toán và tài liệu khác của công ty, công việc quản lý, điều hành hoạt động của công ty khi xét thấy cần thiết hoặc theo nghị quyết của Hội đồng thành viên;
  • Khi có yêu cầu của thành viên, Ban kiểm soát thực hiện kiểm tra trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày kết thúc kiểm tra, Ban kiểm soát phải báo cáo về những vấn đề được yêu cầu kiểm tra đến Hội đồng thành viên và thành viên có yêu cầu. Việc kiểm tra của Ban kiểm soát quy định tại khoản này không được cản trở hoạt động bình thường của Hội đồng thành viên, không gây gián đoạn điều hành hoạt động kinh doanh của công ty;
  • Kiến nghị Hội đồng thành viên biện pháp sửa đổi, bổ sung, cải tiến cơ cấu tổ chức quản lý, giám sát và điều hành hoạt động kinh doanh của công ty;
  • Tham dự và tham gia thảo luận tại các cuộc họp Hội đồng thành viên và các cuộc họp khác của công ty;
  • Sử dụng tư vấn độc lập, bộ phận kiểm toán nội bộ của công ty để thực hiện nhiệm vụ được giao; và

Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này, Điều lệ công ty và nghị quyết Hội đồng thành viên.


[1] Luật Doanh nghiệp 2020, Điều 49.1

[2] Luật Doanh nghiệp 2020, Điều 56.1

[3] Luật Doanh nghiệp 2020, Điều 56.3

[4] Luật Doanh nghiệp 2020, Điều 56.2

[5] Luật Doanh nghiệp 2020, Điều 63.1

[6] Luật Doanh nghiệp 2020, Điều 63.2

[7] Luật Doanh nghiệp, Điều 65.1

[8] Luật Doanh nghiệp, Điều 170

You May Also Like